Nhắc đến Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) hẳn ai cũng nhớ về một địa chỉ du lịch biển. Ngoài ra, với lợi thế dồi dào nguồn nguyên liệu cá, tôm nên Thịnh Long từ lâu đã là địa phương có nghề chế biến thủy sản rất phát triển.
Đi dọc Quốc lộ 21 dẫn vào Thị trấn Thịnh Long, bạn có thể thấy cơ sở chế biến hải sản với quy mô khang trang, rộng rãi đó là Cty CP Chế biến hải sản Nam Định. Hương vị mặn mòi, đặc trưng của các sản phẩm thủy sản làm nức mũi người đi đường. Là Cty chế biến hải sản lớn trong tỉnh, Cty CP Chế biến hải sản Nam Định đã gây dựng được uy tín và niềm tin không chỉ đối với người dân tại địa bàn mà còn “vang danh” ở nhiều tỉnh lân cận. Cty chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và các sản phẩm từ sứa biển. Nằm gần cảng cá Ninh Cơ, nguồn nguyên liệu mà Cty thu mua về luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tôm, cá được lựa chọn cẩn thận, còn tươi sống; riêng sứa, Cty ký kết hợp đồng với người dân để thu mua theo mùa vụ. Sản lượng cá biển thu mua mỗi năm khoảng 1.500 tấn, 4.000 tấn sứa biển, 150 tấn tôm, tép. Trung bình mỗi năm Cty sản xuất và tiêu thụ ra thị trường khoảng 600 nghìn lít nước mắm, 500 tấn mắm tôm và 500 tấn sứa thành phẩm. Cty đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 công nhân với mức lương khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Để các sản phẩm có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, Cty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Ninh Cơ” cho các sản phẩm hải sản chế biến của Cty từ năm 2004. Đồng chí Mai Đức Thịnh, Giám đốc Cty cho biết: “Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để mang đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và thơm ngon nhất. Cán bộ và công nhân trong Cty cùng nhau nỗ lực, phấn đấu để các sản phẩm mang nhãn hiệu Ninh Cơ ngày càng xuất hiện rộng rãi trên thị trường. Năm nay, Cty cũng mở rộng thêm khoảng 20 nghìn m2 để xây nhà xưởng, xây thêm các bể chứa để tăng năng lực sản xuất với mong muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường”. Cũng theo lãnh đạo Cty cho biết, vì sản phẩm của Cty có chất lượng thơm ngon được khách hàng ưa chuộng, thương hiệu Ninh Cơ đã có uy tín nên hiện trên thị trường đã xuất hiện tình trạng làm giả sản phẩm, nhãn hiệu của Cty. Ngay khi phát hiện ra các trường hợp này, Cty đã thông báo, nhắc nhở và yêu cầu cơ sở chấm dứt việc kinh doanh vi phạm đó, nếu cố tình làm giả thì Cty báo với các cơ quan chính quyền để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu Ninh Cơ của Cty.
Nghề chế biến thủy sản ở Thịnh Long phát triển đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn Thị trấn Thịnh Long liên tục phát triển, người sản xuất luôn có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất, hộ dân ở thị trấn đã thu mua, chế biến hàng nghìn tấn thủy hải sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân; trong đó thu nhập từ chế biến sứa trong thời gian 6 tháng đầu năm đã đạt trên 37 tỷ đồng. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long cho biết: “Chế biến thủy sản là thế mạnh của Thịnh Long nên để nghề phát triển bền vững, Đảng ủy, chính quyền địa phương thị trấn đã đề ra lộ trình, định hướng cụ thể cho nghề chế biến thủy hải sản, khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”. Bên cạnh đó, thị trấn cũng đặc biệt chú ý tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chế biến Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề, quy hoạch lại không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường…
Ngoài du lịch thì chế biến, khai thác, nuôi thủy sản ở Thịnh Long cũng góp phần giúp ngành kinh tế biển của địa phương phát triển bền vững, đa dạng nên bên cạnh những biện pháp trên, lãnh đạo Thị trấn Thịnh Long chủ trương tăng cường khuyến khích ngư dân chủ động cải tiến ngư lưới cụ, máy móc thiết bị, phương tiện đánh bắt hiện đại, phù hợp với các đối tượng khai thác và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo; các cơ sở chế biến đẩy mạnh đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc bảo quản sản phẩm; chỉ đạo phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thú y thủy sản. Tổ chức tốt sản xuất, kinh doanh và chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm./.