Là tỉnh đồng bằng ven biển với bờ biển dài hơn 72km, có nguồn lợi thủy sản dồi dào, tỉnh Nam Định có những làng nghề sản xuất nước mắm nổi tiếng từ lâu đời như nước mắm Ninh cơ của công ty CP chế biết thủy sản Nam Định Tuy nhiên, nghề làm nước mắm truyền thống ở nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, các nhà quản lý cần có chiến lược để bảo tồn và phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống.
Gặp khó trong cạnh tranh
Chúng tôi tìm về làng nghề Thịnh Long, được biết nơi đây có sản phẩm nước mắm truyền thống thương hiệu Ninh Cơ. Từ xa, chúng tôi đã cảm nhận được hương nước mắm đậm đà phả trong gió, mang theo hương vị của biển.
Chia sẻ về quy trình sản xuất nước mắm Ninh Cơ, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định Mai Đức Thịnh cho hay, sản phẩm này của công ty được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt từ việc chọn nguyên liệu, bảo quản, đến thời gian ủ. Muối sử dụng làm mắm phải chọn mua vào đúng các tháng 4, 5, 6 để tránh vị đắng chát. Cá phải thật tươi được thu mua từ bà con ngư dân ngoài cảng vào sáng sớm, sau đó ngâm ủ với muối tinh khiết dưới ánh nắng mặt trời từ 12 đến 15 tháng, kết hợp với bí quyết chắt lọc tạo ra hương vị nước mắm truyền thống thơm. Khi nếm ban đầu sẽ có vị mặn hơi gắt nhưng sau đó sẽ thấy vị ngọt lưu lại, vị ngọt này chính là vị của đạm.
Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Thịnh, cho dù nước mắm truyền thống có chất lượng cao, với hàm lượng đạm và axit béo Omega 3, protein cao nhưng sản phẩm của công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi ngày càng có nhiều hãng nước mắm công nghiệp ra đời với nhiều mẫu mã và giá thành cạnh tranh. “Hiện nhiều làng nghề nước mắm tại Nam Định đang đối mặt với nguy cơ mất nghề vì nhiều người dân chuyển sang làm nghề khác” – ông Thịnh phân trần.
Khó khăn không chỉ riêng với thương hiệu nước mắm Ninh Cơ mà nước mắm cổ truyền thương hiệu Sa Châu, làng nghề Sa Châu, huyện Giao Thủy cũng có chung tình cảnh như vậy. Khó khăn về thị trường tiêu thụ dẫn tới số lượng người theo nghề cũng dần ít đi, nỗi lo mất nghề truyền thống đang hiển hiện rõ ở nơi đây. Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho hay, nước mắm Sa Châu được ví “sánh như mật ong, trong như hổ phách”. Thời kỳ hưng thịnh có từ 300 đến 400 hộ làm nghề, nhưng đến nay gắn bó với nghề truyền thống này chỉ còn hơn 100 hộ. Sản lượng trung bình chỉ còn từ 400.000-500.000 lít/năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Bình.
Liên kết chặt chẽ trong sản xuất và kinh doanh
Để khôi phục và nâng cao vị thế của nước mắm truyền thống ở Nam Định, ông Hoàng Mạnh Hà cho rằng: Nhà nước cần ban hành quy chuẩn rõ ràng hơn về nước mắm để phân loại được nước mắm truyền thống và không truyền thống, quy định về chỉ số hàm lượng đạm trong nước mắm, kích cỡ, phân phối cụ thể để tránh gây hiểu lầm. Khi xây dựng quy chuẩn nên tham khảo các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, tránh quy định xa thực tế. Còn ông Mai Đức Thịnh mong muốn, chính quyền địa phương nên có quy hoạch cho ngành sản xuất nước mắm và sớm triển khai áp dụng hình thức Nhà nước-doanh nghiệp-nhân dân cùng làm. Đồng thời, tỉnh Nam Định cần thường xuyên mở các hội chợ xúc tiến thương mại để tạo cơ hội cho các địa phương chưa có thương hiệu giới thiệu sản phẩm của mình, còn những địa phương đã gây dựng được thương hiệu có thể quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước.
Nhấn mạnh vào những ý kiến trên, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng, cần phải tạo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, để sản xuất được sản phẩm nước mắm có hàm lượng đạm cao, các cơ sở sản xuất cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu và quản lý nghiêm ngặt chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cần xây dựng chiến lược marketing để khẳng định thương hiệu, tập trung vào việc quản lý để có sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa; giúp giảm giá thành sản xuất trong khi vẫn giữ vững giá trị sản phẩm. “Đặc biệt, các địa phương nên thành lập Ban kiểm soát và cấp tem cho sản phẩm nước mắm đạt chuẩn. Có như vậy nước mắm truyền thống mới có thể phát triển và đủ sức cạnh tranh với các loại nước mắm khác”-ông Bảnh nhấn mạnh.